Category

Tin Tức Thị Trường

Tin Tức Thị Trường

TP.HCM khởi công dự án nhà ở xã hội gần

Hoài Thu –  Thứ sáu, 30/08/2024 08:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 29/8, Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành tổ chức Lễ động thổ dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự án NƠXH Lê Thành Tân Kiên được xây dựng với quy mô lớn, bao gồm 4 block chung cư cao 18 tầng và 2 block thương mại dịch vụ với tổng cộng 1.445 căn hộ từ 1-2 phòng ngủ với diện tích 45-50m2.

Tổng diện tích xây dựng chung cư NƠXH khoảng 127.000m2 và tổng diện tích sàn thương mại dịch vụ khoảng 47.000m2. Đây là dạng NƠXH cho thuê 49 năm. Dự án có tiện ích nội khu như cây xanh cảnh quan, công viên, hồ bơi, siêu thị, trường mầm non, nhà hàng, spa, gym.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cho biết để có dự án Lê Thành Tân Kiên khởi công ngày hôm nay công ty đã rất kiên trì, kiên nhẫn để hoàn tất những thủ tục pháp lý còn vướng.

“Trong thời gian tới, Lê Thành sẽ triển khai thêm một số dự án NƠXH nữa để đáp ứng nhu cầu của người dân. Công ty cam kết sẽ triển khai dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, mang đến cho cư dân một môi trường sống an lành, tiện nghi và văn minh như nhà ở thương mại. Dự án dự kiến hoàn thành và bàn giao đến cư dân tương lai vào năm 2026”- ông Nghĩa cam kết.

Lễ động thổ dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Internet)

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, ông Phạm Minh Mẫn cho biết TP HCM đặt chỉ tiêu đến 2030 đầu tư xây dựng 69.700-93.000 căn NƠXH. Hiện thành phố đang có 4 dự án NƠXH đang triển khai. Dự án NƠXH Lê Thành Tân Kiên là dự án thứ 5, sau 4 dự án đã hoàn thành.

Tại lễ động thổ, Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường, nói trong bối cảnh nhà ở cho người thu nhập thấp còn ít, chủ đầu tư đã kiên trì với phân khúc này nhiều năm qua, mang đến cơ hội an cư cho người thu nhập thấp. Ngành chức năng sẽ tiếp tục tháo gỡ thủ tục để doanh nghiệp này sớm khởi công thêm dự án Lê Thành Tân Tạo 2.

Ngoài ra, thành phố cũng đang tận dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để nhiều nhà đầu tư tham gia phân khúc này, có thêm nhiều dự án mới.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Bùi Xuân Cường yêu cầu các Sở, ngành tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý, ban hành các quyết định về quy trình phối hợp để thực hiện dự án phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội.

Thông tin từ Sở Xây dựng TP HCM, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội của TP HCM đến năm 2030 là đầu tư xây dựng 69.700-93.000 căn hộ nhà ở xã hội. Từ năm 2021 đến nay, thành phố đưa vào sử dụng 6 dự án với quy mô 2.700 căn hộ và đang thi công 4 dự án với 3.000 căn hộ. Từ nay 30/4/2025, thành phố tập trung tháo gỡ vướng mắc, hoàn tất các thủ tục để khởi công thêm 5-6 dự án nhà ở xã hội quy mô khoảng 6.000 căn.

Nguồn bản tin

Tin Tức Thị Trường

Bình Dương: Bố trí gần 523 ha quỹ đất xây

Hoài Linh –  Thứ bảy, 31/08/2024 20:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ nay đến hết năm 2025 tỉnh Bình Dương bố trí hơn 523 hecta đất để xây dựng thêm 26.500 căn hộ nhà ở xã hội. Tổng nhu cầu vốn đầu tư các dự án ước khoảng 92.230 tỷ đồng.

UBND tỉnh Bình Dương mới đây đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn trong hai năm 2024-2025.

Theo đó, tỉnh này đặt mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ xây dựng thêm khoảng hơn 26.500 căn hộ NƠXH, hoàn thành chỉ tiêu của Đề án phát triển NƠXH tại Bình Dương giai đoạn 2021-2025 với tổng số 42.000 căn hộ NƠXH được xây mới.

Để chuẩn bị quỹ đất dành cho các dự án NƠXH, hiện tỉnh Bình Dương đã rà soát, thống kê và chỉ đạo các sở, ngành chức năng cũng như các doanh nghiệp, chủ đầu tư tích cực phối hợp triển khai bố trí quỹ đất cho các dự án NƠXH sẽ thực hiện trong hai năm 2024-2025.

Thời gian qua Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong hoạt động đầu tư phát triển các dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân. Ảnh minh họa.

Theo đó, hiện nay quỹ đất do các doanh nghiệp Nhà nước đang quản lý tại Bình Dương là khoảng 121,9 hecta (bao gồm đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh), dự kiến sẽ được bố trí để xây dựng gần 18.800 căn hộ NƠXH với tổng mức đầu tư 17.300 tỷ đồng.

Quỹ đất của các doanh nghiệp tư nhân đang quản lý được đề xuất xây dựng các dự án NƠXH là khoảng 188,3 hecta. Dự kiến sẽ đầu tư 73.800 căn NƠXH với tổng vốn 38.830 tỷ đồng.

Quỹ đất 20% đã có sẵn từ 32 dự án nhà ở thương mại khu đô thị (dành riêng để đầu tư NƠXH) tại Bình Dương hiện nay có khoảng 85 hecta. Dự kiến sẽ bố trí để đầu tư 24.030 căn hộ NƠXH, tổng vốn khoảng 16.800 tỷ đồng.

Ngoài ra, quỹ đất chuyển đổi công năng trên các địa bàn TP. Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát được UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo bố trí sử dụng khoảng 127,6 hecta để đầu tư các dự án NƠXH, tổng mức đầu tư khoảng 19.300 tỷ đồng.

Đối với nguồn kinh phí để thực hiện các dự án NƠXH trong hai năm tới, tỉnh Bình Dương khuyến khích kêu gọi các nhà đầu tư sử dụng vốn tự có của doanh nghiệp và vốn huy động xã hội hóa bên cạnh nguồn vốn bố trí từ ngân sách địa phương.

UBND tỉnh Bình Dương đề nghị NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương triển khai chính sách tín dụng vay vốn ưu đãi và các chính sách có liên quan cho nhóm đối tượng NƠXH, nhà ở côn nhân (cho các hộ chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo) theo các quy định của Luật Nhà ở, các Nghị định của Chính phủ và chính sách tín dụng NƠXH của NHNN Việt Nam.

Bên cạnh đó, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bình Dương triển khai cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH, nhà ở công nhân vay vốn từ các nguồn vốn ủy thác của Trung ương và địa phương. Đồng thời rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đơn giản thủ tục cho vay để đảm bảo người dân tiếp cận vốn vay thuận lợi, tăng cơ hội mua nhà an cư lập nghiệp, ổn định cuộc sống.

Nguồn bản tin

Tin Tức Thị Trường

Cần sớm bàn giao mặt bằng để thực hiện Dự

PV –  Thứ hai, 02/09/2024 06:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vừa qua, UBND TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã ban hành văn bản chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố sớm bàn giao mặt bằng cho Công ty TNHH Quốc Hân để thực hiện Dự án Khu nhà ở Phước Đồng theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hoà.

Thu hồi đất dự án đúng quy định pháp luật

Theo tìm hiểu, Dự án Khu nhà ở Phước Đồng tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà do Công ty TNHH Quốc Hân (viết tắt là Công ty Quốc Hân) làm chủ đầu tư. Dự án được đầu tư xây dựng trên diện tích 10,6 ha; trong đó, chủ đầu tư đã thỏa thuận nhận chuyển nhượng được 2,2 ha, phần diện tích còn lại do Nhà nước thu hồi là 8,4 ha của 44 hộ gia đình, cá nhân/55 thửa đất.

Liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện Dự án, năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản đồng ý để Nhà nước thu hồi phần đất mà Chủ đầu tư chưa thỏa thuận được.

Thực hiện quy định của pháp luật về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, UBND TP Nha Trang đã ban hành Thông báo số 431/TB-UBND ngày 06/6/2014 về việc thu hồi đất thực hiện Dự án. Liên quan đến thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án và đề nghị các hộ gia đình, cá nhân có đất bị ảnh hưởng bởi dự án phối hợp với cơ quan chức năng kê khai, xác định diện tích nhà, đất, cây trồng, vật kiến trúc theo quy định, cơ quan chức năng đã đăng tải công khai trên Đài Phát thanh – Truyền hình Khánh Hòa, Đài truyền thanh TP Nha Trang và Báo Khánh Hòa, theo đúng quy định của pháp luật

Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài một số thửa đất không có người đến kê khai nên Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng Nha Trang đã xin ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện kiểm đếm đối với trường hợp vắng chủ. Ngày 17/3/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa đã có Văn bản số 525/STNMT-GĐBTTĐC gửi UBND tỉnh Khánh Hòa về việc kiểm đếm trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với trường hợp đất thu hồi vắng chủ.

Ngày 01/4/2015, UBND tỉnh Khánh Hòa có Văn bản số 1907/UBND-XDNĐ về chủ trương thực hiện việc kiểm đếm trong công tác bồi thưởng giải phóng mặt bằng đối với trường hợp đất thu hồi vắng chủ; trong đó, UBND tỉnh đồng ý với một số đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường như: “…Xác định khối lượng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án, nếu hết thời hạn thông báo thực hiện kê khai và nộp hồ sơ thửa đất bị thu hồi nhưng chủ sử dụng vẫn vắng mặt thì xác định thuộc diện vắng chủ; Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiến hành lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định hiện hành, số tiền bồi thường, hỗ trợ (đối với trường hợp vắng chủ) theo phương án đã phê duyệt; Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có trách nhiệm gửi vào Kho bạc Nhà nước, khi xác định được chủ sử dụng đất và chủ sử dụng đất cung cấp các giấy tờ hợp pháp của thửa đất, tài sản trên đất, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thực hiện chi trả bồi thường theo quy định”.

Phối cảnh tổng thể dự án Khu nhà ở Phước Đồng

Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hoà, sau khi các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc đo đạc, kiểm đếm, UBND TP Nha Trang đã ban hành các Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp có đất bị thu hồi, trong đó có 18 trường hợp đất vắng chủ.

Tại các Quyết định thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ đối với các trường hợp vắng chủ đều thể hiện rõ số thửa đất bị thu hồi và kinh phí bồi thường đối với từng trường hợp. Công ty Quốc Hân đã chuyển toàn bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ là hơn 12 tỷ đồng theo phương án được phê duyệt cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố để gửi vào Kho bạc nhà nước, sẵn sàng chi trả khi xác định được chủ sử dụng đất.

Trong suốt thời gian dài vẫn không có người đến nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND tỉnh giao đất để chủ đầu tư thực hiện dự án đảm bảo tiến độ. Ngày 14/10/2019, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 3174/QĐ-UBND về việc giao đất, cho thuê 37.874,3 m2 đất đã giải phóng xong mặt bằng cho Công ty Quốc Hân để thực hiện dự án.

Như vậy, cơ quan nhà nước và Công ty Quốc Hân đã thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm về trình tự, thủ tục thu hồi đất theo quy định tại Điều 69 Luật Đất đai 2013. Đặc biệt, vấn đề này, tại Văn bản số 455/TTr-TDXLĐT ngày 12/4/2023, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có ý kiến việc UBND tỉnh Khánh Hòa có Văn bản số 1907/UBND-XDNĐ về chủ trương thực hiện kiểm đếm trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất vắng chủ để UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện là phù hợp.

Bác đơn khởi kiện về quyết định thu hồi đất thực hiện dự án

Liên quan đến các thửa đất bị thu hồi khi vắng chủ, trong các năm 2022 và 2023, bà Nguyễn Thị Thơ, ông Đàm Ngọc Đức có đơn khởi kiện ra TAND tỉnh Khánh Hòa về việc thu hồi đất vắng chủ của UBND TP Nha Trang.

Ngày 15/9/2023, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên xử sơ thẩm và quyết định: Hủy quyết định thu hồi đất vắng chủ của UBND TP Nha Trang đối với bà Thơ, ông Đức. Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Khánh Hòa cho rằng UBND TP Nha Trang không thực hiện đúng quy định pháp luật tại khoản 1 Điều 69 Luật Đất đai 2013.

Do không chấp nhận quyết định tại Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Khánh Hoà, UBND TP Nha Trang đã kháng cáo lên TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.

Ngày 30/7/2024, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên xử phúc thẩm: Chấp nhận kháng cáo của UBND TP Nha Trang, sửa Bản án hành chính sơ thẩm số 28/2023/HC-ST ngày 19/9/2023 của TAND tỉnh Khánh Hoà; Bác toàn bộ đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị Thơ.

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, bà Trương Thị Đào – Giám đốc Công ty TNHH Quốc Hân cho biết: UBND TP Nha Trang và Công ty Quốc Hân đã thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa tại Văn bản số 1907/UBND-XDNĐ. Trường hợp người sử dụng đất vắng mặt thì không có cơ sở gửi thông báo, quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đến người vắng mặt tại nơi cư trú được.

Ngoài ra, UBND TP Nha Trang đã ban hành quyết định thu hồi đất căn cứ vào dự án, quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa về Dự án Khu nhà ở Phước Đồng. Việc đến kê khai nguồn gốc đất khi Nhà nước có thông báo thu hồi đất là trách nhiệm của người dân nhưng họ đã không thực hiện trách nhiệm của mình là lỗi của họ, nên theo quy định pháp luật và theo hướng dẫn của UBND tỉnh Khánh Hòa đưa vào diện vắng chủ là hoàn toàn phù hợp.

Sau khi xác định được chủ sử dụng đất, ngày 08/7/2024, UBND TP Nha Trang đã điều chỉnh quyết định thu hồi đất từ vắng chủ thành có chủ đối với bà Thơ và ông Đức theo đúng quy định của pháp luật. Sau đó, UBND TP Nha Trang đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư thực hiện dự án.

Từ diễn biến thực tế trên, có thể thấy rõ Dự án Khu Nhà ở Phước Đồng chậm tiến độ là do lỗi khách quan trong công tác giải phóng mặt bằng, do đó, để đảm bảo dự án được triển khai theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hoà, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, đặc biệt đối với Chủ đầu tư dự án, chúng tôi kính đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan của tỉnh Khánh Hoà cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao cho Công ty Quốc Hân thực hiện Dự án./.

Nguồn bản tin

Tin Tức Thị Trường

Giá chung cư không ngừng tăng

MTĐT –  Thứ hai, 02/09/2024 19:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời điểm hiện tại, giá nhà chung cư đã tăng thêm khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, giá căn hộ chung cư tăng không chỉ ở những dự án mới mở bán mà còn ở cả những căn hộ cũ đã qua sử dụng nhiều năm.

Rất nhiều lo ngại về việc giá nhà không ngừng tăng sẽ ảnh hưởng đến công tác an sinh xã hội trong thời gian tới.

Giá căn hộ chung cư tiếp tục leo thang

Từ đầu năm 2024 đến nay, nguồn cung mới các sản phẩm bất động sản (BĐS) trên thị trường đã có sự cải thiện rõ rệt, đặc biệt là phân khúc căn hộ chung cư. Theo số liệu báo cáo thị trường từ Bộ Xây dựng, tính riêng trong quý II/2024, cả nước có 9 dự án nhà ở thương mại hoàn thành, bằng 128,5% so với cùng kỳ năm 2023; 19 dự án được cấp phép mới và 50 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, lần lượt tăng 126,6% và 131,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Mặc dù nguồn cung đã có sự cải thiện nhưng giá bán vẫn tiếp tục leo thang, một số dự án còn ghi nhận tăng đến 33%. Như tại Hà Nội, dự án khu đô thị Royal City tăng 33%; The Pride 33%, Mỹ Đình Sông Đà – Sudico tăng 32%; Vinhomes West Point tăng 28%. Một số khu đô thị cũ như Trung Hòa – Nhân Chính, giá chung cư tăng 25%, khu chung cư tái định cư tại Nam Trung Yên có mức tăng 20%…

Nếu muốn mua căn hộ có giá bán biến động tăng chậm hơn, người mua phải tìm đến các khu vực xa trung tâm như dự án Bình Minh Garden Đức Giang, Le Grand Jardin Sài Đồng… nhưng giá bán không dưới 3 tỷ đồng/căn từ 2 – 3 phòng ngủ, như dự án Lumi Hanoi (quận Nam Từ Liêm) giá từ 66 – 82 triệu đồng/m2 tại phường Tây Mỗ, dự án Grand SunLake (quận Hà Đông) giá từ 40 – 55 triệu đồng/m2, dự án The Wisteria (huyện Hoài Đức) khoảng 40 – 60 triệu đồng/m2.

Giá chung cư tại Hà Nội liên tục tăng giá trong thời gian qua. Ảnh: Phạm Hùng

Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, biến động giá rao bán căn hộ trung cấp (từ 35 – 55 triệu đồng/m2) tăng thêm 2%; cao cấp (trên 55 triệu đồng/m2) tăng thêm 5% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, giá bán nhiều dự án chung cư đã qua sử dụng có xu hướng tăng mạnh, nhất là ở khu vực nội thành. Đơn cử như dự án City Garden (quận Bình Thạnh) rao bán trung bình 85 triệu đồng/m2, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái; dự án Antonia (quận 7), Masteri Thảo Điền (quận 2) lần lượt tăng 11% và 10%.

“Theo khảo sát và tổng hợp báo cáo của một số tỉnh, TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, giá căn hộ chung cư tăng trung bình khoảng từ tăng 5 – 6,5% trong quý II/2024 và 25% so với cùng kỳ năm 2023 tùy từng khu vực và vị trí. Đặc biệt, mức giá không chỉ ở những dự án mới mở bán mà còn ở cả căn hộ cũ, qua sử dụng nhiều năm. Theo nhận định, giá căn hộ chung cư có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do nguồn cung mới đưa ra thị trường đang khan hiếm” – Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải cho hay.

Cần động thái tích cực hơn từ phía Nhà nước

Với việc giá bán nhà liên tục leo thang trong thời gian gần đây sẽ làm cơ hội sở hữu nhà ở của nhóm người có thu nhập thấp – trung bình ở các đô thị ngày càng trở nên khó khăn hơn và tác động tiêu cực đến chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Vì vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần phải nhanh chóng có giải pháp để bình ổn giá nhà, trong đó Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò quan trọng.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, muốn giá bán nhà được sớm bình ổn, Nhà nước cần phải có chính sách để tăng nguồn cung các sản phẩm nhà ở từ việc cải tạo chung cư cũ và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội (NƠXH).

Theo đó, đối với công tác cải tạo chung cư cũ, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 69/2021/NĐ-CP thì công việc này đã có sự cải thiện rõ rệt, nhưng đến nay chỉ mới có một số chung cư cũ nguy hiểm cấp D có kế hoạch cải tạo, xây dựng lại còn hầu hết vẫn đang phải chờ đợi. Nếu được triển khai theo đúng kế hoạch đây chắc chắn sẽ là nguồn cung lớn cho nhà ở phân khúc vừa túi tiền với người dân, đồng thời góp phần cải tạo chỉnh trang bộ mặt đô thị.

“Đối với Đề án phát triển 1 triệu căn NƠXH thì cần có một quỹ đầu tư riêng, nhưng không chỉ dùng để hỗ trợ tín dụng cho dự án mà nên có một phần dành cho các địa phương để tập trung hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật cho các dự án NƠXH. Kèm theo đó là đơn giản hóa tối đa trình tự, quy trình thủ tục triển khai các dự án” – ông Nguyễn Quốc Hiệp nói.

Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, DN phải có vốn, nhưng hiện nay việc tiếp cận tín dụng của DN BĐS rất khó, nên dẫn đến tình trạng DN BĐS thiếu tiền mặt, thiếu thanh khoản nghiêm trọng, tài sản lớn nhưng không bán được. Nhiều DN đã tái cấu trúc, cấu sản phẩm, giảm giá bán, dừng triển khai xây dựng, ngừng kinh doanh.

“Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện để DN có các khoản nợ tín dụng sắp đến hạn thì giữ nguyên nhóm nợ, cho phép tái cấu trúc không thành nhóm nợ xấu hơn. Đồng thời chỉ cho vay đối với những dự án đủ điều kiện như dự án có tài sản bảo đảm, điều kiện pháp lý rõ ràng và tính khả thi được ngân hàng đánh giá là có khả năng trả nợ” – ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.

Đồng quan điểm, theo GS. TS Hoàng Văn Cường – Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước, đối với những dự án BĐS đang triển khai dở dang, nếu hoàn thành sẽ có khả năng đưa vào sử dụng, có khả năng thanh khoản ngay. Ngân hàng nên khoanh các khoản nợ cũ của DN và tiếp tục tài trợ vốn để hoàn thành dự án, đưa sản phẩm ra thị trường; đồng thời phải kiểm soát dòng vốn vay giải ngân vào đúng hoạt động hoàn thiện dự án và quản lý dòng tiền bán hàng để thu hồi các khoản nợ ngân hàng đã tài trợ.

“Việc làm như trên không chỉ giúp các hoạt động đầu tư, kinh doanh và thị trường BĐS được tái lập mà các nguồn vốn vay của ngân hàng đã đổ vào dự án sẽ được thu hồi. Cần kiểm soát chặt chẽ, không để dòng vốn tín dụng đổ vào những dự án không có khả năng hoàn thành, khó tiêu thụ hoặc đảo nợ các khoản vay cũ đến hạn. Đây chính là việc thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, mở rộng đối với dự án có triển vọng, nhưng thắt chặt đối với DN “xác chết” và mua BĐS đầu cơ” – GS. TS Hoàng Văn Cường nhìn nhận.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng Nhà nước nên tăng cường sử dụng công cụ thuế để tránh tình trạng đầu cơ BĐS. Vì đầu cơ BĐS là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá BĐS tăng nhanh. Ngoài ra, để mang lại hiệu quả tối đa cho công tác huy động vốn đầu tư của DN, cũng nên nghiên cứu biện pháp để hạn chế hoặc không cho phép DN BĐS tham gia đầu tư vào ngân hàng và ngược lại, bởi dòng vốn khi đó chỉ xoay quanh hoạt động của DN đó mà không có nhiều tác dụng với xã hội.

Ở các nước phát triển họ đã sử dụng rất thành công công cụ thuế để kiểm soát tình trạng đầu cơ, tăng giá bán trên thị trường BĐS. Ví dụ ở Australia, mỗi năm DN phải nộp thuế đất 2% và áp dụng thuế lũy tiến, giá đất là do cơ quan thuế định giá hằng năm một cách độc lập.

Nếu Việt Nam thực hiện chính sách này, chỉ có những người làm thật mới dám đầu tư và phải triển khai rất nhanh. Biện pháp này không chỉ chống đầu cơ đất mà tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách, đồng thời ngăn chặn được tình trạng tham ô, tham nhũng liên quan đến đất đai.

Chủ tịch Công ty CP Đầu tư IMG Lê Tự Minh

Nguồn bản tin

Tin Tức Thị Trường

TP. Hồ Chí Minh chính thức phê duyệt phương án

Tuệ Nhi –  Thứ bảy, 24/08/2024 09:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã xem xét và quyết định chốt phương án để xây dựng, ban hành bảng giá đất trên địa bàn.

Vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã họp để xem xét, quyết định chấp thuận chủ trương về sự cần thiết điều chỉnh và cách thức thực hiện điều chỉnh bảng giá đất theo Quyết định số 02.

Tham dự hội nghị có Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi.

Tại hội nghị, được sự phân công của Ban Cán sự Đảng UBND TP, Giám đốc Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng đã trình bày 4 phương án giá đất. Hầu hết các ý kiến dự hội nghị đều thống nhất, cần thiết phải ban hành bảng giá đất mới để phù hợp với tình hình thực tiễn của TP, việc ban hành bảng giá đất là có cơ sở pháp lý đúng quy định pháp luật, Luật Đất đai 2024.

Sau khi nghe ý kiến phân tích của đại biểu các sở, ngành, Bí thư Nguyễn Văn Nên thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy phát biểu kết luận, quyết định chọn phương án 4 để xây dựng, ban hành bảng giá đất.

Bí thư Nguyễn Văn Nên giao Ban Cán sự Đảng UBND TP, UBND TP chỉ đạo Sở TN&MT, các sở, ngành liên quan, đơn vị tư vấn tiếp tục xây dựng bảng giá đất theo phương án 4, sát với thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân – doanh nghiệp – nhà nước.

Giao Sở Tư pháp phối hợp Sở TN&MT cùng các sở ngành liên quan thẩm định văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành; sớm trình bảng giá đất để cấp có thẩm quyền sớm ban hành, không để xảy ra tình trạng ùn ứ hồ sơ, thủ tục hành chính nhà đất của người dân, doanh nghiệp.

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Cụ thể, phương án này tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 và phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại TP Hồ Chí Minh.
Phương án 4 là điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.

Căn cứ cơ sở dữ liệu giá đất hiện có được chắt lọc từ các nguồn như: Giá đất bồi thường, giá đất tái định cư, giá cụ thể đã được UBND các cấp phê duyệt, giá đất chuyển nhượng thực tế từ cơ quan đăng ký đất đai, cơ quan thuế để cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất.

Liên quan đến bảng giá đất, trước đó, Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh cho biết, 4 phương án về bảng giá đất đã được sở xây dựng từ giữa cuối tháng 7, để trình UBND TP báo cáo Ban Cán sự Đảng và Thường vụ Thành ủy TP, dự kiến thực hiện từ ngày 1/8, theo hiệu lực của Luật Đất đai 2024. Trong các phương án này, Sở TN&MT nhận thấy phương án 1,2,3 có những hạn chế và không phù hợp với tình hình tại địa phương nên đã chọn phương án 4 để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi thời gian qua.

Theo đó, giá đất trong bảng giá điều chỉnh tại nhiều địa bàn có xu hướng tăng trung bình 5-10 lần, một số địa phương thuộc khu vực ngoại thành và vùng ven dự kiến điều chỉnh tăng 15-50 lần so với hiện tại (chưa nhân hệ số K điều chỉnh giá đất 3,5 lần). Sở này cho rằng nếu tính cả hệ số K, so với Quyết định 02 của TP, giá đất tăng khoảng 2,5 lần và bằng 70% mặt bằng thị trường.

Dự thảo bảng giá đất điều chỉnh sau khi được Sở TN&MT lấy ý kiến các đơn vị có liên quan, trình Hội đồng thẩm định của TP. Sau đó, UBND TP sẽ xem xét phê duyệt. Bảng giá này nếu được thông qua sẽ sử dụng đến 31/12/2025, nhưng cuối năm nay, TP vẫn đánh giá lại để phù hợp tình hình kinh tế. Từ đầu 2026, TP Hồ Chí Minh sẽ áp dụng bảng giá đất mới hằng năm chung theo Luật Đất đai 2024.

Nguồn bản tin

Tin Tức Thị Trường

Khánh Hòa dự kiến xây 48

Tuệ Lâm –  Thứ bảy, 24/08/2024 10:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng được 48.749 căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân trong các khu công nghiệp.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã có kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hành động của Chính phủ và chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa thực hiện Nghị quyết số năm 2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, Khánh Hòa phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu như tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ cao hơn 40%; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội trên 60% và lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên 45%.

Khánh Hòa đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ xây dựng được 48.749 căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân trong các khu công nghiệp; xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh đạt khoảng 30 m2 sàn/người.

Khánh Hòa dự kiến xây 48.700 nhà ở xã hội đến năm 2030 (Ảnh: Internet)

Theo “Đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”, tỉnh Khánh Hòa được phân bổ hoàn thành 7.800 căn, trong đó giai đoạn 2022 – 2025 là 3.400 căn, giai đoạn 2026 – 2030 là 4.400 căn. 

Tính đến tháng 7, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành 3.364/3.400 căn hộ nhà ở xã hội, đạt 98,9% so với chỉ tiêu giai đoạn 2022 – 2025. 

Theo đó, giai đoạn 2021-2023 có 7 dự án nhà ở xã hội hoàn thành đưa vào sử dụng. Quý I/2024, chung cư nhà ở xã hội 02-HUD, Khu đô thị mới Phước Long được đưa vào khai thác với tổng số 260 căn hộ. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số dự án nhà ở đang được triển khai, như: Dự án nhà ở xã hội Hưng Phú (Nha Trang) với 1.221 căn (dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2025-2026); dự án nhà ở xã hội Happy Home Cam Ranh với 3.565 căn (dự kiến hoàn thành quý IV/2026); dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh với 9.816 căn (dự kiến hoàn thành quý IV/2027); khu nhà ở Vinpearl Phú Quý (Nha Trang) có 602 căn (dự kiến hoàn thành quý II/2027). 

Nguồn bản tin

Tin Tức Thị Trường

Thừa Thiên –Huế công bố quy hoạch khu nhà ở

An Nhiên –  Thứ hai, 26/08/2024 10:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khu Nhà ở xã hội XH1, Khu C – Đô thị mới An Vân Dương với diện tích 3,18ha, thuộc phạm vi ranh giới phường Phú Thượng (thành phố Huế) quy mô dân số khoảng 2.780 người.

Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết Công ty Cổ phần Đầu tư Phú Mỹ Thượng phối hợp với đơn vị và UBND phường Phú Thượng (TP Huế) tổ chức hội nghị công bố đồ án quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) khu nhà ở xã hội XH1, khu C – Đô thị mới An Vân Dương.

Trong đó, khu nhà ở thấp tầng 6.369m2 đất, tương ứng 20% tổng diện tích đất Dự án theo quy định. Khu nhà ở xã hội cao tầng 12.478m2 đất bao gồm công trình nhà ở xã hội cao tối đa 09 tầng với diện tích 8.281m2, còn lại là diện tích xây dựng bãi đỗ xe ngoài nhà, đường dạo, cảnh quan…

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Khu nhà ở xã hội cao tầng và khu nhà ở thương mại thấp tầng có tổng diện tích đất lập quy hoạch khoảng 3,18ha, với cơ cấu sử dụng đất bao gồm đất nhà ở xã hội cao tầng (đất cây xanh, sân, đường dạo, bãi đổ xe ngoài nhà); đất nhà ở thương mại thấp tầng; đất đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật.

Khu nhà ở xã hội cao tầng bố trí phía Bắc khu đất, với các khối công trình cao 9 tầng và lõi cây xanh trung tâm tạo nên không gian xanh của khu khối nhà ở cao tầng bố trí xoay quanh lõi cây xanh trung tâm. Khu nhà ở thương mại thấp tầng bố trí phía Nam khu đất với các dãy nhà liền kề cao 4-5 tầng có mặt tiếp giáp với đường quy hoạch.

Trên cơ sở đồ án quy hoạch chi tiết được phê duyệt, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế giao Sở Xây dựng, UBND thành phố Huế và Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh thực hiện chức năng quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng công trình được phân công và thực hiện các quy định pháp luật hiện hành.

Nguồn bản tin

Tin Tức Thị Trường

Thành lập Hội đồng thẩm định bảng giá đất TP

Hoài Thu –  Thứ tư, 28/08/2024 08:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

UBND TPHCM vừa có quyết định thành lập Hội đồng thẩm định bảng giá đất TPHCM.

Theo đó, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi làm Chủ tịch Hội đồng; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường và Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Nguyễn Hoàng Hải làm Phó Chủ tịch Hội đồng. 27 lãnh đạo một số sở ngành, địa phương, ban quản lý là thành viên Hội đồng.

Hội đồng có nhiệm vụ thẩm định bảng giá đất theo quy định của pháp luật; được sử dụng con dấu của UBND TP để hoạt động. Chủ tịch Hội đồng quyết định thành lập tổ giúp việc của hội đồng.

Trong quá trình thẩm định bảng giá đất, hội đồng mời Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và Hội Nông dân TP tham gia phản biện tại các phiên họp của hội đồng.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế quyết định số 4695 năm 2023 của UBND TP về kiện toàn Hội đồng thẩm định bảng giá đất TP.

Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời báo cáo văn bản cho UBND TP.

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Trước đó cuối tháng 7/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM có dự thảo về quy định bảng giá đất trên địa bàn TP và bảng giá này áp dụng từ ngày 1/8 đến hết ngày 31/12/2024. Sau đó sẽ tổng kết, đánh giá tác động về mặt kinh tế – xã hội, từ đó tiếp tục điều chỉnh bảng giá đất áp dụng từ đầu năm 2025.

Tuy nhiên, dự thảo bảng giá đất mới được đánh giá chưa phù hợp với tình hình thực tế. Giá đất ở nhiều nơi tại TP tăng cao so với bảng giá đất hiện hữu (áp dụng từ năm 2020 đến nay), nhất là ở các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh… có nơi tăng đến 51 lần.

Trong những ngày qua, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP hay HĐND TP cũng đã tổ chức các phiên họp báo, phản biện, lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo bảng giá đất mới này.

Nguồn bản tin

Tin Tức Thị Trường

Quảng Trị tìm chủ đầu tư cho Khu nhà ở

Tuệ Nhi –  Thứ tư, 28/08/2024 16:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tỉnh Quảng Trị đang tìm chủ đầu tư cho Khu nhà ở đô thị kết hợp nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà, với tổng vốn khoảng 1.563 tỷ đồng và tiến độ thực hiện từ năm 2024 đến 2027.

UBND tỉnh Quảng Trị vừa phê duyệt chủ trương đầu tư và các yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm cho các nhà đầu tư đăng ký thực hiện Khu nhà ở đô thị kết hợp nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà.

Dự án này được triển khai tại phường Đông Lương, TP Đông Hà. Vị trí dự án: phía Bắc giáp dải cây xanh cách ly và đường bao phía Nam Khu công nghiệp Nam Đông Hà; phía Đông giáp khu dân cư; phía Tây giáp Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Trị và Trường Quốc tế Ischool; phía Nam giáp mương thủy lợi (thuộc dự án Khu đô thị Tân Sở).

Diện tích khu đất làm dự án gần 25 ha. Tại đây sẽ xây thô, hoàn thiện mặt ngoài 122 căn nhà liền kề cao 3 tầng (trong tổng số 305 lô đất ở liền kề); 28 căn nhà biệt thự cao 2 tầng (trong tổng số 81 lô đất nhà biệt thự). Số đất ở liền kề và đất ở biệt thự còn lại theo quy hoạch chi tiết nhà đầu tư sẽ kinh doanh bán đất nền, chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở.

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Bên cạnh đó, còn có 3 block nhà ở xã hội xây dựng hoàn thiện, cao 5 tầng, gồm 1.241 căn. Trong đó. block C1 có khoảng 363 căn, block C2 khoảng 494 căn và block C3 khoảng 384 căn. Tổng diện tích sàn xây dựng gần 8,7 ha. Ngoài ra, đối với khu đất công cộng, xây dựng hoàn thiện 1 công trình trường học cao 2 tầng. 

Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 1.478 tỷ đồng; ngoài ra còn có chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 85 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động là 50 năm. Tiến độ thực hiện từ năm 2024 – 2027.

Nguồn bản tin

Tin Tức Thị Trường

“Đón sóng bất động sản”: Thúc đẩy thị trường phát

Minh Ngô- Nhị Tâm –  Thứ năm, 29/08/2024 14:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với mục tiêu cập nhật những thông tin mới nhất về kiến thức nhận diện dòng tiền cũng như thị trường bất động sản và cung cấp những phân tích chuyên sâu về các dự án.

Sáng ngày 29/8/2024, tại TP.Hồ Chí Minh, Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh, phối hợp với viện IIB và VFA Group, cùng các đơn vị liên quan tổ chức buổi Toạ đàm với chủ đề “Nhận diện dòng tiền và đón sóng bất động sản kết nối hạ tầng cao tốc”, với sự đồng hành và tài trợ của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), U2U Network, VietMyTourist, Hodeco và các đơn vị tài trợ.

Với mục tiêu cập nhật những thông tin mới nhất về kiến thức nhận diện dòng tiền cũng như thị trường bất động sản và cung cấp những phân tích chuyên sâu về các dự án bất động sản trên trục hạ tầng cao tốc kết nối từ miền Trung đến miền Đông Nam Bộ và miền Tây sẽ được hưởng lợi như thế nào từ hạ tàng cao tốc. Ngoài ra, Tọa đàm sẽ trở thành cầu nối hữu hiệu, giúp kết nối các nhà đầu tư, nhà phát triển bất động sản và chuyên gia trong lĩnh vực, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững, hiệu quả của thị trường bất động sản.

Toạ đàm Nhận diện đồng tiền & đón sóng BDS kết nối hạ tầng cao tốc.

Theo đó, về chính sách, từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, Quốc hội đã lần lượt thông qua: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), xác lập nền tảng mới cho thị trường bất động sản phát triển trong 5- 10 năm tới. Điều này cộng hưởng với những chính sách “giải cứu” cả về pháp lý và nguồn vốn xuyên suốt năm 2023, đã thổi một luồng sinh khí mới cho việc đầu tư – kinh doanh bất động sản.

Thực tế cũng cho thấy, thị trường thời gian qua đã có sự phục hồi tích cực tại một số địa bàn và phân khúc, với nguồn cung được cải thiện và giao dịch trở lại đáng kể, đưa đến triển vọng lạc quan trong giai đoạn tới. Bối cảnh đó dẫn đến nhu cầu nhận diện, phân tích, đánh giá cơ hội đầu tư bất động sản cho cả nhà đầu tư cá nhân lẫn cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tọa đàm “ Bất động sản đón sóng kết nối hạ tầng cao tốc” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Hiệp hội Đầu tư Xây dựng Dịch vụ Nông Lâm nghiệp Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh- Ông Nguyễn Mạnh Thắng, cùng với các lãnh đạo đơn vị của ngành bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó có các chuyên gia là những diễn giả uy tín, có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng về thị trường bất động sản phía Nam, gồm: TS Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện NC Tin học & Kinh tế ứng dụng; TS Sử Ngọc Khương- Phó Viện Trưởng IIB; MBA Nguyễn Hoàng- Chuyên gia Bất động sản; ông Phạm Trọng Phú- Giám đốc công ty Titanium.

Sự kiện Tọa đàm: “Nhận diện dòng tiền và đón sóng bất động sản kết nối hạ tầng cao tốc” là nơi các chuyên gia, các doanh nhân thảo luận, phân tích bối cảnh kinh tế – xã hội, sự đổi thay của tâm lý đầu tư, sự xuất hiện của những cơ hội và cách thức để đầu tư- kinh doanh bất động sản đón sóng kết nối hạ tầng cao tốc trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.

Về kế hoạch đầu tư công của Chính phủ đối với khu vực phía Nam rất nhiều dự án quy mô lớn: từ sân bay, vành đai 3 TP.HCM đang xây dựng, vành đai 2 TP.HCM khép kín các đoạn còn lại, vành đai 4 ấn định thời gian triển khai, cùng nhiều tuyến đường được mở rộng tại khu Tây và khu Đông TP.HCM, các đường cao tốc và nhiều dự án cao tốc ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)…

 Các chuyên gia đánh giá việc Chính phủ đẩy mạnh hạ tầng để thúc đẩy kinh tế, thị trường bất động sản sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý các dự án bất động sản sẽ không thể phát huy vai trò là hạt nhân của đô thị nếu các dự án hạ tầng giao thông kết nối không được hình thành.

Các diễn gỉa trình bày tại buổi toạ đàm

Theo các chuyên gia, cơ sở hạ tầng mới thường thu hút các doanh nghiệp và người lao động mới, tạo thành các cụm. Nơi nào có cơ sở hạ tầng phát triển thì văn phòng, nhà kho, cửa hàng và khu dân cư thường theo sau. Hiện thị trường bất động sản phát triển đúng hướng, song hành với sự hình thành của các dự án giao thông thì chất lượng đô thị hóa mới được nâng cao.

Nói cách khác, hiệu quả của một dự án hạ tầng chỉ được hiện thực hóa khi sự phát triển các dự án bất động sản đi theo phải bền vững và có sự dẫn dắt đối với việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất là tình trạng pháp lý chưa rõ ràng và các thủ tục hành chính còn phức tạp. Nhiều dự án bất động sản vẫn đang gặp khó khăn trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, dẫn đến tình trạng chậm tiến độ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư. Dù đối mặt với nhiều thách thức, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển.

Tọa đàm “Nhận diện dòng tiền và đón sóng bất động sản kết nối hạ tầng cao tốc” không chỉ là diễn đàn trao đổi thông tin mà còn là cầu nối giúp các nhà đầu tư và nhà phát triển bất động sản gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác. Các chuyên gia cũng đã chia sẻ thông tin cập nhật về chính sách pháp lý và quy định đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư nắm bắt thông tin đầy đủ để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn trong bối cảnh thị trường đang biến động.

Các chuyên gia dự báo rằng, trong những năm tới, thị trường sẽ tiếp tục hưởng lợi từ các dự án hạ tầng giao thông lớn, cũng như các chính sách thúc đẩy phát triển đô thị và công nghiệp của Chính phủ.

Nguồn bản tin